I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Phan Khôi di cảo
Chuẩn bị bản thảo: Phan Thị Mỹ Khanh, Phan Trản
Soạn chú thích: Phan Nam Sinh
Sao lục và xử lý văn bản: Phan An Sa
Số trang: 360 trang
Khổ sách: 16x24 cm
Loại sách: bìa mềm, tay gập
Giá bìa: 180.000 VNĐ
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Năm 1965, nhà giáo Phan Nam Sinh - con của ông - tiến hành việc soạn, sắp xếp, lập danh mục và gói buộc toàn bộ sách vở, báo chí cùng các bản thảo viết tay chưa công bố của ông, để bà mẹ giữ gìn, bảo quản tại Hà Nội.
Nhưng chỉ từ năm 2007, Di cảo mới được một người con khác của ông ở Hà Nội - là người trực tiếp gìn giữ, bảo quản Di cảo từ năm 1977, đến lúc đó là tròn 30 năm - tiến hành nghiên cứu, phân loại và sắp xếp để chuẩn bị cho việc xuất bản. Theo đó, Di cảo gồm chín bản thảo - có một bản dịch - được ông viết từ quý III/1950 đến tháng 2/1958, thuộc cả hai thời kỳ: kháng chiến chống Pháp trên Việt Bắc (sáu bản thảo); sau hòa bình lập lại năm 1954 ở Hà Nội (ba bản thảo); cùng năm cuốn sổ tay ghi chép, trong đó một cuốn khổ nhỏ còn lưu lại di bút cuối cùng của ông đề ngày 2/1/1959, tức chỉ 14 ngày trước khi ông qua đời (16/1/1959).
Các bản thảo đều thuộc sở trường của ông, là lịch sử cổ đại Trung Quốc, lịch sử cận đại Việt Nam, tiếng Việt, thêm phần tiểu sử tự thuật do tự tay ông viết trong cuộc chỉnh huấn năm 1953 trên Việt Bắc. Với hoàn cảnh xã hội của miền Bắc trước năm 1975 và của cả nước trước năm 1986; với hoàn cảnh của cá nhân ông về cuối đời bị quy kết tội phản động, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, bị cấm công bố tác phẩm, thì các bản thảo có giá trị nhiều mặt này cũng phải chịu chung số phận không được công bố; đó là một thiệt thòi cho học giới nước nhà.
Chúng tôi trực tiếp nghiên cứu nội dung Di cảo, rất lấy làm ngạc nhiên, là tại sao các năm 1956, 1957, 1958 ông bị phê phán, bị lăng mạ, bị vu khống kịch liệt đến như vậy, bị quy kết tội phản động, bị cô lập về mọi mặt, nhưng Di cảo của ông lại không có bất cứ một bản thảo nào mang dấu ấn của sự phản ứng, của sự phản đối; trong khi ông lại dồn hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành một bản khảo luận rất có giá trị về tiếng Việt trước ngày ông qua đời một năm?...
Lần này, xuất bản Phan Khôi Di Cảo (bản chưa đầy đủ) là cách chúng tôi thực hiện phần việc sau cùng để hoàn thành trọn bộ Tác phẩm Phan Khôi do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và tái công bố suốt 27 năm qua.
III. MỤC LỤC
Kính cáo cùng quý độc giả
PHẦN DI CẢO
Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu
Cổ sử Trung Hoa bị đánh đổ
Kiểm thảo lại cái gọi bằng dân chủ ở Trung Quốc đời xưa
Tự thuật tiểu sử sơ lược
Kiểm thảo sơ bộ
Tự kiểm thảo
Vụ xin xâu ở Quảng Nam
Duy Tân khởi nghĩa
Những con số không nhất định trong từ ngữ
Các cuốn sổ tay
PHẦN PHỤ LỤC
Vịnh ông Táo
Quan chấm trường
Vè cúp tóc
Bốn bài tứ tuyệt
Dân Quảng Nam xin sưu
Nhâm Tý khai bút
Khuyên học
Vô đề
Cách ngôn xử thế
Xuất đô môn
Câu đối viếng cụ Tây Hồ
Người nghèo
Tình hình một xóm Chàm ở Tây Ninh và một chuyện truyền khẩu về lịch sử Chàm
Một tập du kí có vẻ khả quan: Pháp du ký sự của Trần Bá Vinh
Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916
Xuân Áng tức cảnh (1 và 2)
Nhớ nhà
Giao thừa năm Canh Dần (1950)
Thơ gửi Vũ Hoàng Chương
Đồng ý! Đồng ý!
Tìm ưu điểm
Tụng Lỗ Tấn
Ông già Đỗ Lăng
Oán tình
Bảy mươi tự thọ
Phan Khôi niên biểu 2014
IV. KÍNH CÁO CÙNG QUÝ ĐỘC GIẢ
Sau khi Phan Khôi qua đời, các bản thảo viết tay chưa công bố của ông được vợ ông, bà Nguyễn Thị Huệ và các con của ông giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn suốt 54 năm, tính đến ngày 19/12/2013.
Vấn đề xuất bản Di cảo của ông được một người con nêu lên trong cuộc tọa đàm tại Hà Nội nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông (6/10/2007), báo chí đã đưa tin và được quý độc giả quan tâm, đón đợi. Việc chuẩn bị bản thảo để xuất bản Di cảo do các con ông tự đảm nhiệm.
Công việc chuẩn bị bản thảo được tiến hành ngay năm sau, năm 2008. Nay là năm 2021, trải qua 13 năm mà vẫn chưa xuất bản được, là quá chậm trễ, do gặp phải những khó khăn nằm ngoài mọi sự trù liệu.
Lần chuẩn bị bản thảo đầu tiên là năm 2008 và 2009, với sự tham gia của cả bốn anh chị em; đã đánh máy sao lục xong phần chính văn, đã soạn và sao lục xong phần chú thích, đã in ra giấy để góp ý, sửa lỗi, chỉ còn việc chèn chữ Hán vào bản thảo nữa thì máy tính bị virus tấn công, phá hủy toàn bộ các dữ liệu; công việc phải tạm dừng lại.
Lần tiếp theo là năm 2013, công việc lúc này chỉ cần hai người làm: một người đánh máy sao lục và xử lý văn bản, một người chèn phần chữ Hán. Đến cuối tháng 12 thì xong việc sao lục cả phần chính văn và phần chú thích, chỉ còn việc chèn chữ Hán vào, dự định tháng 6 năm 2014 đưa xuất bản để kịp cho Hội thảo “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc” tại Quảng Nam quê hương ông vào tháng 10. Nhưng lần này, trong số những người trực tiếp chuẩn bị bản thảo xuất hiện thái độ bất hợp tác, đã không chèn phần chữ Hán, cũng không chịu giao lại bản gốc Di cảo cho đại gia đình để tiếp tục công việc, khiến việc chuẩn bị bản thảo bị đình trệ kéo dài; mọi sự gặp gỡ, thuyết phục đều không đem lại kết quả.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: Các con ông đã đắc tội với ông, đã có lỗi với quý độc giả yêu mến ông và sự nghiệp của ông. Dù điều đó do cá nhân gây ra, thì chúng tôi vẫn xin nhận trách nhiệm, xin vong linh ông đại xá, xin quý độc giả lượng thứ.
Tháng 9 năm 2019, không may máy vi tính bị hỏng, làm mất dữ liệu về năm cuốn sổ tay ghi chép của ông, nhưng không thể để quý độc giả chờ đợi lâu hơn nữa, nên sang năm 2020, chúng tôi vẫn quyết định xuất bản Di cảo. Việc không có bản gốc Di cảo chỉ phá hỏng việc chèn chữ Hán và không có điều kiện sao lục lại đầy đủ nội dung năm cuốn sổ tay ghi chép, chứ không ảnh hưởng tới độ chính xác so với bản gốc, vì việc sao lục lần thứ ba này vẫn thực hiện theo bản đánh máy từ các năm 2008, 2009 có nguồn gốc từ bản gốc Di cảo. Lần xuất bản này, chúng tôi lấy nhan đề Phan Khôi Di Cảo (bản chưa đầy đủ), là vì vậy.
Chúng tôi thành thật cáo lỗi và xin trình Phan Khôi Di Cảo (bản chưa đầy đủ) tới quý độc giả, mong quý độc giả thông cảm và thể tất cho sự chậm trễ, cho sự chưa đầy đủ của Di cảo trong lần xuất bản này.