I) THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Trảng Bàng phương chí - Lịch sử, văn hóa vùng đất và con người nam Tây Ninh
Tác giả: Vương Công Đức
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 804 trang
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập & bìa cứng
II) GIỚI THIỆU SÁCH
1) Đôi lời của tác giả :
Trảng Bàng phương chí là những ghi chép về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất và con người Trảng Bàng - vùng đất phía nam tỉnh Tây Ninh. Những ghi chép bao gồm lịch sử, địa lí, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, những sự đổi thay, các cuộc cách mạng, những cuộc chiến tranh, hay những nhân vật đã góp phần làm thay đổi lịch sử vùng đất Trảng Bàng, hoặc những con người đã để lại trong tâm thức người dân xứ Trảng nhiều dấu ấn, huyền thoại.
Về phạm vi thời gian, không có giới hạn cụ thể mà kéo dài từ thời kì Vương quốc Phù Nam, tức khoảng đầu thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên, cho đến năm 2013. Dĩ nhiên phần các sự kiện theo chuỗi thời gian có liên quan đến văn minh người Việt, mặc dù đến định cư sau, sẽ được mô tả kỹ hơn so với chuỗi thời gian của người Phù Nam hay người Khmer trước đó, đây không phải là tác giả có ý thiên vị, mà thực chất do nguồn sử liệu ít ỏi và điều kiện khảo cứu còn khó khăn.
Về phạm vi không gian, do khái niệm Trảng Bàng không đơn giản được hiểu là huyện Trảng Bàng được thành lập từ sau năm 1975 đến nay mà Trảng Bàng là một quận (huyện) đã có lịch sử hàng trăm năm trước đó. Mặt khác, huyện Trảng Bàng trước đây chính là huyện Quang Hóa đã tồn tại từ năm 1836 đến năm 1872 trước khi được đổi thành quận Trảng Bàng. Như vậy khi viết về Trảng Bàng, ắt phải viết về huyện Quang Hóa, thậm chí trước đó là đạo Quang Hóa từ trước năm 1836, là tên gọi chính thức và đầu tiên do triều đình nhà Nguyễn đặt cho vùng đất này. Trên thực tế, huyện Quang Hóa thế kỉ 19 có không gian bao trùm không chỉ huyện Trảng Bàng ngày nay mà còn cả phạm vi huyện Gò Dầu, huyện Bến Cầu, ba xã phía nam huyện Dương Minh Châu, bắc Long An và cả một phần đất ở vùng Mỏ Vẹt nay thuộc tỉnh Sveyriêng của Campuchia. Vậy nên khi viết về Trảng Bàng đâu đó sẽ có một ít sự kiện, con người diễn ra ở địa phận huyện Gò Dầu, Bến Cầu, do trước đây hai huyện này nằm trong huyện Trảng Bàng. Cũng xuất phát từ lí do hai huyện Bến Cầu và Gò Dầu với gần 90 năm tồn tại trong quận Trảng Bàng, có sự gắn bó chặt chẽ, sâu đậm về lịch sử, văn hóa, cho nên trong tình cảm của mình, tác giả vẫn mạn phép xem Gò Dầu và Bến Cầu là một phần của Trảng Bàng.
Tuy nhiên, do có quá nhiều sự thay đổi trong địa giới hành chính, tên gọi, sự thiếu hụt các tư liệu lịch sử để làm sáng tỏ các tồn nghi, nên không gian và thời gian liên quan đến Trảng Bàng khó có thể hoàn toàn chính xác. Nhưng dẫu sao các sự kiện chính yếu và mang tính bước ngoặt thì với trách nhiệm của mình, tác giả hết sức cố gắng để phản ánh trung thực, đầy đủ nhất. Song, do phạm vi không gian và thời gian khá rộng và kéo dài, cuốn sách không thể trình bày đầy đủ diện mạo của xứ Trảng, mà chỉ là những gì được ghi nhận từ nhận thức, tình cảm của tác giả và từ tài liệu khảo cứu có được mà thôi.
Cuốn sách khó tránh khỏi những khiếm khuyết do sự hiểu biết còn giới hạn, khả năng diễn đạt còn thô vụng, cùng sự khó khăn trong nguồn tài liệu, tác giả mong được sự lượng thứ và góp ý của quý độc giả.
Sài Gòn, tháng 12 năm 2013
2) Mục lục
Lời tựa 13
Đôi lời của tác giả 19
Chương 1
Tự nhiên
1. Lược sử hành chính 23
2. Hình thế 24
3. Khí hậu 26
4. Giao thông 27
Chương 2
Dân cư và nguồn gốc
1. Dân số 31
2. Dân số qua các thời kì 32
3. Nguồn gốc dân cư 37
Chương 3
Trảng Bàng dưới thời kì Vương quốc Phù Nam và Đế chế Khmer
1. Một nền văn minh đã mất 55
2. Những ghi chép trong chính sử Trung Hoa 56
3. Các bia đá ở Tây Ninh 60
4. Lược sử nước Chân Lạp hay Đế chế Khmer 65
5. Vương quốc và đời sống dân chúng 68
6. Dấu tích của người Khmer trên vùng đất Tây Ninh và Trảng Bàng 71
………………..
Chương 18
Nhân vật chí
1. Các bậc tiền hiền và hậu hiền 727
2. Nhân vật lịch sử đất Trảng 742
Thay cho lời kết 793
Tài liệu tham khảo 797