I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Du lịch châu Âu - Hội chợ Marseille – Đấu xảo quốc tế Paris
Tác giả: Nguyễn Công Tiễu
Sưu tầm, giới thiệu: Nguyễn Hữu Sơn
Số trang: 236 trang
Khổ sách: 13 x 20.5 cm
Loại sách: bìa mềm
II. GIỚI THIỆU SÁCH
1.Tác giả
Nhà khoa học, nhà báo Nguyễn Công Tiễu (14.8.1892 - 3.10.1976), hiệu Minh Nông, sinh tại làng Trà Bồ (tục gọi làng Chè), tổng Ba Đông (nay thuộc xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)[1]. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, sau học Quốc ngữ. Tốt nghiệp Cao đẳng Nông lâm (1912), là người Việt Nam duy nhất trong Hội đồng khảo cứu về khoa học Đông Dương (Conseil de Recherches Sientifiques de l’Indochine).
2. Lời nói đầu
Ngay từ cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện nhiều tác giả người Việt Nam viết du ký nhân những chuyến đi đến Pháp và các nước châu Âu như Philipphê Bỉnh (1794-1830) với Sách sổ sang chép các việc (1822), Trương Minh Ký (1855-1900) với các tác phẩm Như Tây nhật trình (1880-1888), Chư quấc thại hội (1889-1891)… Bước sang giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, số lượng tác giả viết du ký khi đến nước Pháp ngày càng nhiều và hình thức tác phẩm cũng đa dạng hơn, chẳng hạn các tác phẩm du ký trường thiên Pháp du hành trình nhật ký và Thuật chuyện du lịch ở Paris của học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), Sang Tây - Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh, bút danh của nhà báo, nhà khảo cứu Đào Trinh Nhất (1900-1951), và tác phẩm du ký công vụ Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris của nhà khoa học, nhà báo Nguyễn Công Tiễu (1892-1976)…
Các tác phẩm du ký viết về nước Pháp đương nhiên phải do những người đã trực tiếp đặt chân đến nước Pháp viết ra. Đây là tiếng nói của người trong cuộc, người trải nghiệm - những tác gia văn học và cũng là các trí thức lớn đương thời. Hầu hết họ đã cộng tác và có mối quan hệ tốt đẹp với người Pháp nên cách nhìn, cách cảm nhận, đánh giá của họ về mối quan hệ Việt-Pháp có những nét riêng, khác biệt. Trước hết, họ tự ý thức về hoàn cảnh, điều kiện và trình độ lạc hậu của bản thân và đất nước mình. Bên cạnh những quan sát về nền kỹ nghệ và cách thức tổ chức xã hội nước Pháp theo mô hình phương Tây hiện đại, các tác giả nhận thức rõ nhu cầu cần canh tân, cần tự cường và phát triển đất nước theo xu thế hiện đại hóa... Có thể nói các chuyến đi và tiếp xúc thực tế với người Pháp và nước Pháp đã khiến họ thay đổi, bình tĩnh đánh giá khách quan hơn về thực trạng xã hội Pháp một thời... Nhìn rộng ra, điều này cũng góp phần lý giải mối quan hệ giữa tính dân tộc và quốc tế, dân tộc và tiến bộ xã hội, phương Đông và phương Tây, thể chế xã hội và quy luật tiến hóa lịch sử... Những quan sát, nhận thức về nước Pháp góp phần mở đường cho nhận thức về so sánh văn hóa Đông-Tây, kỹ nghệ Đông-Tây, tư duy Đông-Tây và xu thế hội nhập, giao lưu quốc tế...
3. Mục lục
Lời giới thiệu
Hội chợ Marseille
Nimes
Nice
Đấu xảo Lépine
Hội nghị quốc tế canh nông nhiệt đới và hạ nhiệt đới
Tôi đi du lịch Âu châu mới về
Trường quốc gia nông học Grignon
Trường dạy trồng hoa ở Versailles
Hội nghị khảo cứu khoa học ở các thuộc địa Pháp
Viện Nông học Thuộc địa
Thăm vườn Bách thảo
Diễn thuyết ở Bộ Thuộc địa trước máy truyền thanh
Một làng bên Pháp
Cuộc thi hoa
Vườn bách thú
Vườn hoa của thành phố Paris
Chợ lớn Paris
Lăng miếu danh nhân
Viện dưỡng lão của nhà binh
Đấu trường Lutèce
Cột Bastille
Khu học xá
Nhà máy làm “Piles” đèn bấm
Ở Tòa Đốc lý Paris
Viện Bảo tàng Cluny
Viện Bảo tàng Louvre
Xe điện hầm
Cuộc thăm máy tàu
Đấu xảo quốc tế Paris 1937
Đài khoa học
1) Ban Toán học (Mathématiques)
2) Ban Thiên văn (Astronomie)
3) Ban Vật lý (Phisique)
4) Ban Hóa học
5) Ban Sinh vật học (Section de Biologie)
6) Ban Sinh vật học (Section de Biologie végétale)
7) Ban Giải phẫu (Section de chirurgie)
8) Ban Vi trùng học (Section de microbiologie)
1. Những viện Bảo tàng nghệ thuật tân thời
2. Phát minh ứng dụng
3. Đào tạo mỹ thuật và chuyên môn
4. Truyền bá mỹ thuật và chuyên môn
5. Mỹ thuật: nghề vẽ, nặn, vân vân…
6. Nhà cửa
9. Trang hoàng ở trong nhà và đồ bày
4) Lời kết mở
Đến nay, một số tác phẩm du ký viết về nước Pháp và mối quan hệ Việt-Pháp thuộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đã bước đầu được sưu tập, tuyển in lại. Trong thời gian tới, việc tăng cường sưu tập và hoàn thành một bộ toàn tập các tác phẩm du ký theo chủ điểm nói trên chắc chắn không chỉ có ý nghĩa trên phương diện lịch sử mà còn giúp ích cho việc nhận thức con đường đổi mới, phát triển đất nước cũng như chính mối quan hệ Việt-Pháp trong hiện tại và cả tương lai.
Nhân dịp công trình sưu tập, biên soạn Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris đến tay bạn đọc, chúng tôi chân thành cảm ơn cụ Nguyễn Công Thắng (sinh năm 1925, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, con trai nhà khoa học, ký giả Nguyễn Công Tiễu), ông Nguyễn Công Minh (sinh năm 1950, con cụ Nguyễn Công Thắng) và TS. Nguyễn Giáng Hương (cán bộ Viện Văn học, hiện làm việc tại Cộng hòa Pháp), đã giúp đỡ chúng tôi trong việc sưu tầm văn bản Khoa học tạp chí; trân trọng cảm ơn Ban Lãnh đạo và biên tập Nhà xuất bản Tri thức đã góp ý xây dựng, nâng cao chất lượng bản thảo.
[1] Xin xem Nguyễn Công Tiễu. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki
- Trần Lê Văn: Nguyễn Công Tiễu (1892-1976) - ông già ở Thủy Tiên Trang, trong sách Những gương mặt trí thức, Tập II. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 546-560... Nguyên văn ghi “Nguyễn Công Tiễu (1888-1973)”, nay sửa lại (NHS chú).
- Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Như Mai: Nguyễn Công Tiễu (1888-1976) - Nhà khoa học tiên phong, trong sách Những gương mặt không thể nào quên. Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 2014, tr. 123-137.