Tên sách: Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1932
Tác giả: Phan Khôi
Sưu tầm và biên soạn: Lại Nguyên Ân
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang: 896 trang
Loại bìa: Mềm, tay gập
GIỚI THIỆU SÁCH
Cuốn sách tập hợp những tác phẩm của nhà báo, học giả Phan Khôi (1887–1959) đăng trên báo chí trong năm 1932 như Đông tây ở Hà Nội,Trung lập và Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, sau hơn 70 năm bị rơi vào quên lãng, lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và tái công bố.
VÀI LỜI CHUNG VỀ VIỆC BIÊN SOẠN
CÁC SƯU TẬP TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO
CỦA PHAN KHÔI
Phan Khôi (1887–1959) là một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX. Tìm hiểu lịch sử các lĩnh vực ấy, người ta không thể bỏ qua vai trò của Phan Khôi và vì vậy không thể không tìm hiểu ít ra là một phần trong số những điều Phan Khôi đã viết ra, đã đăng báo, in sách suốt hơn nửa thế kỷ sống và hoạt động của ông.
Cách đây vài ba năm, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã lần lượt in lại hai cuốn sách Phan Khôi từng công bố lúc sinh thời: Chương Dân thi thoại và Việt ngữ nghiên cứu.
Tuy nhiên, hai cuốn sách nói trên chỉ là phần rất nhỏ, thậm chí chưa thuộc về những nội dung chủ yếu trong sự nghiệp trứ thuật của Phan Khôi. Đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Thanh Lãng: “Sự nghiệp của ông (tức Phan Khôi) hầu hết hãy còn nằm rải rác trên mặt báo. Mà có lẽ những gì tinh túy nhất của ông, linh lợi nhất nơi ông, hóm hỉnh nhất ở ông, “Phan Khôi nhất” trong ông... hình như đều chưa được in thành sách mà hãy còn giấu kín dưới những chồng báo” (Thanh Lãng: Phê bình văn học thế hệ 1932, Sài Gòn, 1973).
Trong tình hình tư liệu hiện tại, việc nghiên cứu một tác gia như Phan Khôi giờ đây có lẽ buộc phải bắt đầu từ công việc sưu tầm và công bố lại, nếu không được toàn bộ thì cũng phải được phần khá lớn những tác phẩm của ông, từng đăng tải trên báo chí khắp ba miền Việt Nam từ những năm 20 đến những năm 50 của thế kỷ XX. Về mặt này, một phần di sản báo chí của Phan Khôi trên tờ Phụ nữ tân văn giai đoạn 1929–1934 mà nhà nghiên cứu Thanh Lãng sưu tầm và về sau được in lại trong sưu tập 13 năm tranh luận văn học 1932–1945 (3 tập, Tp. HCM, 1995) là một đóng góp đáng kể, một cách làm đáng học.
Người viết những dòng này cũng đã bắt tay vào việc sưu tầm tác phẩm của Phan Khôi từ dăm năm nay, thoạt đầu do một số bè bạn đất Quảng vừa giao phó vừa khích lệ. Có lẽ chỉ đến khi khá tốn công sức để có được một vài tài liệu cần tìm, tôi mới nhận ra rằng công việc sưu tầm này không thể hoàn tất nhanh chóng, rằng tìm được chừng nào cứ nên công bố chừng ấy chứ không thể đợi đến lúc tìm được đủ tất cả.
Vì vậy, tôi soạn thành các tập Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi như những sưu tập bao gồm phần di sản báo chí của ông mà nay đã sưu tầm lại được. Các cuốn sưu tập này sẽ tập hợp bài vở theo năm công bố lần đầu. Các tác phẩm từng được tác giả đăng trong một đề mục chung ở sưu tập này sẽ được gom lại tạo thành một đơn vị tác phẩm lớn hơn, ví dụ: Theo tục ngữ phong dao xét về sự sinh hoạt của phụ nữ nước ta, Phép làm văn, Hán văn độc tu, v.v...
Thiết nghĩ cách tập hợp tư liệu trên đây vừa dễ dàng cho việc bổ sung những tư liệu tìm thấy muộn hơn, vừa thuận tiện cho việc chuẩn bị một tuyển tập Phan Khôi trong tương lai.
Căn cứ vào nguồn tư liệu đã và đang tiếp tục sưu tầm được, tôi dự kiến bắt đầu từ các tác phẩm Phan Khôi đăng báo năm 1928. Hy vọng rằng công việc của tôi sẽ được bạn đọc trong ngoài giới văn học và báo chí hưởng ứng. Tôi rất mong sẽ nhận được từ các bạn những ý kiến nhận xét về việc biên soạn sưu tập này. Tôi cũng mong sẽ nhận được từ các bạn văn bản những tác phẩm của Phan Khôi mà tôi hiện chưa tìm được, ngõ hầu tiếp tục bổ sung trong các lần in sau. Hy vọng rằng việc sưu tập của tôi sẽ giúp bạn đọc và giới nghiên cứu ngày nay có cơ sở tiếp xúc lại một cách thuận tiện, rộng rãi đối với di sản báo chí của Phan Khôi.
Hà Nội, 20. II. 2001
LẠI NGUYÊN ÂN