I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Trường Sơn Tây Nguyên – Tiếp cận văn hóa học
Tác giả: T.S Lý Tùng Hiếu
Số trang: 444 trang
Khổ sách: 16 x 24 cm
Loại sách: bìa mềm
Giá bìa: 120.000 VNĐ
II. GIỚI THIỆU SÁCH
1.Tác giả
Tác giả Lý Tùng Hiếu sinh ngày 13/6/1960 tại Sài Gòn. Hiện nay là Tiến sĩ, Giảng viên chính, công tác tại Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Tác giả đã theo học ngành ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (1978-1979, 1981-1985) và Trường Cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (1980-1981), ngành Chủ nghĩa cộng sản khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (1986-1988), ngành Chính trị học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Phân viện TP. Hồ Chí Minh (1993), cao học ngôn ngữ học tại Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (1991-1997), nghiên cứu sinh ngôn ngữ học tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (2001-2007), và ngành Văn hóa học (tự học, 2000-2017).
Các nhiệm sở chính thức của tác giả: Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (1986-1995), Báo Phụ nữ (1995-2000), Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (2000-2008), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2008-2017). Giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Học vấn Đa Minh - Phân khoa Thần học, Đại học Giáo hoàng và Hoàng gia Santo Tomas, Philippines.
Trong quá trình công tác, tác giả đã được tặng Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban Nhân dân TP. HCM (1979), Bằng khen của Thành Đoàn TNCS HCM TP. HCM (1979), Đại học Quốc gia TP. HCM (2014), Ủy ban Nhân dân TP. HCM (2016). Năm 2001, công trình Vấn đề ý niệm dòng họ và họ - nhân danh ở các sắc dân thiểu số của tác giả đã được Hội Văn học Nghệ thuật Các Dân tộc Thiểu số Việt Nam & Tạp chí Văn hóa Các Dân tộc trao Giải khuyến khích thể loại nghiên cứu, Cuộc vận động viết về đề tài “Dân tộc và miền núi (1999-2000)”. Năm 2006, công trình Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2005) của tác giả đã được Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam trao Giải khuyến khích Sách hay, Giải thưởng Sách Việt Nam lần II.
2. Mục lục
Mục lục
Lời giới thiệu 7
Lời nói đầu
Chương I
CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU
VĂN HOÁ TRƯỜNG SƠN - TÂY NGUYÊN
1. Thuật ngữ liên quan
2. Cách tiếp cận vùng văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên
3. Tiêu chí nhận diện vùng văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên
4. Nhận định chung
Chương II
MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ VÀ CHỦ THỂ VĂN HOÁ
TRƯỜNG SƠN - TÂY NGUYÊN
1. Không gian văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên
2. Giao lưu tiếp biến văn hoá ở Trường Sơn - Tây Nguyên
3. Chủ thể văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên
4. Nhận định chung
Chương III
VĂN HOÁ VẬT THỂ
Ở TRƯỜNG SƠN - TÂY NGUYÊN
1. Văn hoá mưu sinh
2. Văn hoá ẩm thực
3. Văn hoá phục sức
4. Văn hoá cư trú và kiến trúc
5. Văn hoá giao thông
6. Nhận định chung
Chương IV
VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ
Ở TRƯỜNG SƠN - TÂY NGUYÊN
1. Văn hoá tổ chức cộng đồng
2. Văn hoá tín ngưỡng
3. Văn hoá phong tục
4. Văn hoá lễ hội
5. Văn học nghệ thuật
6. Vấn đề chữ viết
7. Nhận định chung
Kết luận
Phụ lục
Thư mục
Cùng tác giả
3) Lời giới thiệu
Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng đất rộng lớn của Tổ quốc Việt Nam, là một vùng đất cho đến nay vẫn còn nhiều huyền thoại. Đây là địa bàn cư trú của nhiều tộc người thuộc nhiều hệ ngôn ngữ, và nhiều nền văn hoá đặc sắc. Đã có tác giả gọi Trường Sơn - Tây Nguyên là vùng ngoại vi, vì khu vực này nằm giữa hai nền văn hoá lớn trên thế giới là Trung Hoa và Ấn Độ, nhưng hầu như không ảnh hưởng mấy. Một vài cách gọi khác mang tính biểu tượng của Trường Sơn - Tây Nguyên, như văn hoá nhà rông, văn hoá nhà dài, văn hoá rượu cần, văn hoá sử thi, văn hoá mẫu hệ… Sự kiện UNESCO công nhận “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” đã góp thêm cái nhìn về văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên ở một góc độ nhất định.
Trường Sơn - Tây Nguyên trong thời gian gần đây được xem là một trong những vùng văn hoá của Việt Nam. Từ khá sớm đã có những ghi chép, nghiên cứu khoa học liên quan đến vùng đất này của các tác giả trong và ngoài nước. Những ghi chép, tìm hiểu sớm nhất về vùng đất Trường Sơn - Tây Nguyên có lẽ là của các tác giả người Việt, phần lớn bằng chữ Hán, trong các sử sách của nhà nước phong kiến Việt Nam từ công cuộc mở cõi về phía Nam, khi họ tiếp xúc với các tộc người bản địa Trường Sơn - Tây Nguyên. Giữa và cuối thế kỷ XIX, những học giả, những nhà truyền giáo, và cả những nhà thực dân phương Tây đã tìm đến Trường Sơn - Tây Nguyên. Mục đích của những ghi chép tìm hiểu của các tác giả phương Tây có khác nhau, nhưng những tư liệu của họ đã góp vào sự hiểu biết về Trường Sơn - Tây Nguyên. Một số văn hoá vật thể và phi vật thể của Trường Sơn - Tây Nguyên, ngày nay chỉ còn tìm lại được trong các ghi chép của các tác giả phương Tây thời thuộc địa. Đáng chú ý là những công trình nghiên cứu của các tác giả Việt Nam và nước ngoài từ sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, hoà bình, điều kiện nghiên cứu về Trường Sơn - Tây Nguyên có nhiều thuận lợi hơn. Đó là những thành tựu mới trong việc nghiên cứu Trường Sơn - Tây Nguyên.
Những cố gắng tiếp cận vùng văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên trong thời gian qua, từ nhiều góc độ khác nhau như lịch sử, nhân học / dân tộc học, văn hoá học… đã và đang làm sáng tỏ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc của Trường Sơn - Tây Nguyên, đã đóng góp vào việc nhận diện rõ hơn về vùng văn hoá này. Công trình nghiên cứu Trường Sơn - Tây Nguyên - Tiếp cận văn hoá học của tác giả Lý Tùng Hiếu là một cố gắng tiếp tục tiếp cận văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên dưới góc độ văn hoá học. Tác giả đã có nhã ý cho tôi xem bản thảo, và đề nghị viết đôi dòng giới thiệu. Đối với tôi, đó là một công việc hết sức khó khăn. Bởi lẽ, sự am tường của tôi về Trường Sơn - Tây Nguyên còn quá ít, và sự tiếp cận từ góc độ văn hoá học phải có những kiến thức lý thuyết chuyên ngành cũng như liên ngành.
Những cảm nhận và thu hoạch ban đầu của tôi khi đọc bản thảo Trường Sơn - Tây Nguyên - Tiếp cận văn hoá học của tác giả Lý Tùng Hiếu, là một bổ sung vào sự nhận diện văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên với những khám phá của tác giả. Quả thực, viết về văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên không dễ. Tôi chia sẻ với tác giả những khó khăn trong công việc. Văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên thì rộng lớn, phong phú, đa dạng, mà sức người thì có hạn. Nghiên cứu khoa học là một sự phấn đấu không mệt mỏi, mà cái đạt được thì ít hơn sự mong muốn. Với công trình Trường Sơn - Tây Nguyên - Tiếp cận văn hoá học, tôi nghĩ tác giả Lý Tùng Hiếu đã có sự phấn đấu và say mê trong công việc nghiên cứu khoa học về văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên.
Trong công trình Trường Sơn - Tây Nguyên - Tiếp cận văn hoá học, tác giả đã đưa ra cách tiếp cận văn hoá học để nhận thức về văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên. Tác giả cũng đã hệ thống được những hiểu biết về đặc điểm của văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên, giúp người đọc đỡ bối rối khi tiếp cận với văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên. Văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên đã được tác giả nhìn nhận, phân tích và lý giải trong chủ thể, không gian và môi trường văn hoá, qua sự giao lưu tiếp biến văn hoá giữa các tộc người, qua những biến đổi trong diễn trình lịch sử… Tôi nghĩ, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để những ai quan tâm tới văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên tìm đọc công trình này của tác giả Lý Tùng Hiếu, như một sự góp thêm vào việc nhận dạng văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên.
PGS.TS. PHAN AN
(Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân tộc
và Tôn giáo, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ)