I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Nam Trân: nhà thơ, nhà giáo, dịch giả
Tác giả: Nhiều tác giả (Đặng Thị Hảo, Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu)
Số trang: 420 trang
Khổ sách: 13 x 20,5 cm
Loại sách: bìa mềm
Giá bìa: 115.000 VNĐ
II. GIỚI THIỆU SÁCH
1) Lời giới thiệu
Vừa tròn 10 năm trước, vào ngày 18 tháng 10 năm 2007, Viện Văn học, Hội Nhà văn và gia đình Nam Trân đã trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1907-2007) và 40 năm ngày mất (1967-2007) của Nhà thơ – Nhà giáo – Dịch giả Nam Trân (1907-1967) tại Viện Văn học.
Đến dự Lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học có các cán bộ Viện Văn học, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế và gia đình; các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học đến từ Viện Hán Nôm, Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản Văn học, báo Nhân dân, Văn nghệ; những độc giả yêu thích, mến mộ tài năng thơ Nam Trân và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí…
Hội thảo đã nhận được 18 tham luận. Các tham luận (trong đó có nhiều nhà nghiên cứu từng được làm việc bên ông và là học trò của ông) đã đi sâu phân tích, khẳng định những đóng góp xuất sắc của Nam Trân trên các tư cách Nhà thơ, Nhà giáo và Dịch giả, đồng thời đánh giá cao tinh thần xuất xử, sự lựa chọn và hành vi ứng xử cao đẹp, trong sáng của một trí thức yêu nước.
Trước đó, năm 1997, một lễ tưởng niệm 90 năm sinh của nhà thơ cũng đã được Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học và Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên long trọng tổ chức tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Rất tiếc các sự kiện trên đã trôi qua vài thập kỷ, vì nhiều lẽ khác nhau mà các tham luận công phu, nghiêm túc nói trên chưa có điều kiện đến được với công chúng bạn đọc. Năm nay, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh (1907-2017) và 50 năm ngày mất (1967-2017) nhà văn hóa Nam Trân, trên căn bản các tham luận đã có và bổ sung thêm một vài văn bản sưu tầm từ các nguồn lai cảo khác, chúng tôi tuyển soạn, sắp xếp lại thành sách Nam Trân – Nhà thơ, Nhà giáo, Dịch giả. Các mục bài được chia theo ba nội dung chính: Phát biểu kỷ niệm – Tham luận khoa học – Ký ức về Nam Trân… Trên thực tế, Hội thảo không có tham luận chuyên biệt bàn về vị thế Nhà giáo Nam Trân nhưng tư cách bậc thầy của ông vẫn hiện diện như một tấm gương sáng trên các chặng đường đời; đặc biệt là chính di sản tinh thần, những vần thơ giàu sắc thái thẩm mỹ, nhân văn, những công trình dịch thuật cổ kim dành cho đương thời và hậu thế (Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, văn học Trung Hoa, Nga – Xô viết…). Chính vì lẽ đó mà các mục bài được chia thành ba phần rành mạch (Tưởng niệm – Tham luận khoa học – Ký ức về Nam Trân) nhưng trong từng phần lại mang tính tương đối, chấp nhận sự tương nhượng, giao thoa giữa các lằn ranh nội dung, đề tài, chủ đề. Chẳng hạn, dưới tiêu đề Tham luận khoa học là sự sắp xếp các mục bài tham luận theo thứ tự từ bao quát sự nghiệp chung đến thành tựu sáng tác và dịch thuật, trong khi ở Ký ức về Nam Trân lại tích hợp thêm một số bài giới thiệu, luận bình, đọc điểm thơ Nam Trân giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.
Thực hiện công việc tuyển soạn Nam Trân – Nhà thơ, Nhà giáo, Dịch giả, về cơ bản chúng tôi tuân theo hệ thống tham luận tại Hội thảo 2007. Trong quá trình tuyển soạn, chúng tôi có điều chỉnh một số câu chữ, thực hiện bổ sung và hoàn chỉnh các yếu tố chú thích, trước sau chỉ nhằm tạo nên tính thống nhất tương đối về quy cách trong toàn sách. Bản thảo cũng đã được ông Nguyễn Học Trí (sinh năm 1936, con trai Nhà thơ, Nhà giáo, Dịch giả Nam Trân) cùng đọc soát lại lần cuối.
Nhân dịp hoàn thành Kỷ yếu Nam Trân – Nhà thơ, Nhà giáo, Dịch giả, chúng tôi chân thành cảm ơn Ban Tổ chức Hội thảo; tri ân sâu sắc các tác giả tham luận, trong đó nhiều vị đã về với tổ tiên (Tế Hanh, Hoàng Trinh, Đào Thái Tôn, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Tú Châu); cảm ơn Lãnh đạo và biên tập viên Nhà xuất bản Tri thức đã tạo điều kiện để sách sớm đến tay bạn đọc
2) Mục lục
Lời giới thiệu 11
Phần I
Phát biểu kỷ niệm
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Nam Trân -
Nhà thơ, nhà văn hóa tài năng và đức độ 17
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Biết ơn nhà thơ Nam Trân
đã để lại cho đời một Huế, Đẹp và Thơ 25
PGS.TS Phan Trọng Thưởng
Tưởng nhớ nhà thơ - dịch giả Nam Trân 31
Phần II
Tham luận khoa học
I: Nam Trân - Nhà thơ
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
Nam Trân với Huế 41
PGS.TS. Nguyễn Phong Nam
Đẹp và Thơ 47
Ứng Sơn
Đọc Huế, Đẹp và Thơ của Nam Trân 53
Từ Lâm
Huế, Đẹp và Thơ 59
Vân Trình
Nam Trân – Con người tài hoa 65
PGS. TS. Lê Quang Hưng
Hiện đại và truyền thống trong thơ Nam Trân 139
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
Vài thông tin góp phần tìm hiểu thời gian ở Huế
của nhà thơ Nam Trân 237
II: Nam Trân - Dịch giả
…
Phần III
Ký ức về Nam Trân
GS. Phong Lê
Nam Trân trong những năm đầu
xây dựng Viện Văn học 335
PGS.TS. Phạm Tú Châu
Nhà thơ Nam Trân -
Cấp trên và thầy giáo của tôi 343
Nhà thơ Tế Hanh
Anh Nam Trân không còn nữa 361
PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh
Nhớ về nhà thơ Nam Trân qua những bài giảng 367
GS. Viện sĩ Hoàng Trinh
Kỷ niệm nhỏ 379
Nguyễn Học Trí
Ký ức về Nam Trân 381
…
3) Điểm nhấn
Nam Trân tên thật là Nguyễn Học Sỹ (15/2/1907-21/12/1967). Sinh quán tại làng Phú Thứ Thượng, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Trước 1945, từng làm Tham tá tòa Khâm sứ Huế; Tá lý Bộ Lại. Sau 1954, tập kết ra Bắc, là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, 1959, Công tác tại Viện Văn học, phụ trách Tiểu ban dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1960), Chủ trì dịch Thơ Đường (hai tập, 1962), duyệt Thơ Tống (1968), tham gia nhóm dịch Thơ văn Lý-Trần, dịch Kinh thi, Đường thi, Cổ văn Trung Quốc...; Tham gia giảng dạy Lớp Đại Học Hán học khóa I (1965-1968) của Viện Văn học.
Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng nhặt được đôi câu; nhưng đến Nam Trân mới biệt thành một lối. Nam Trân đã tìm ra một khoảnh đất mới và ở đó người đã dựng lên - ý chừng để sáp nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương...
(Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, 1942)