I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Thân thế và sự nghiệp của Leopold Cardiere
Tác giả: Câu lạc bộ Paolo
Tổng số trang: 448
Kích thước: 16x24
Loại sách: bìa mềm, tay gấp
HẾT SÁCH
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Cuốn sách Thân thế và sự nghiệp của Léopold-Michel Cadière (NXB Tri Thức) ra đời tròn một năm sau hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Léopold-Michel Cadière nhân kỷ niệm 55 năm ngày mất của ông (1955-2010).
Lần mở những trang sách, chúng ta thấy rõ Léopold Cadière có sức tập hợp những người có chính kiến và tôn giáo khác nhau, chủ yếu vì ông là một nhà khoa học chân chính; trong 63 năm sống tại Việt Nam, ông đã để lại một di sản nghiên cứu văn hóa có thể gọi là đồ sộ.
Chỉ cần nhắc đến bộ sách BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Huế - Những người bạn của cố đô Huế) do ông chủ xướng mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa hôm nay vẫn tiếp tục trích dẫn, "đào bới" như một kho báu vô tận, chỉ cần đọc một đôi câu của nhà văn Nguyên Ngọc tham luận tại hội thảo, chúng ta đã thấy được tầm vóc của Léopold Cadière: "...Trước tác của Léopold Cadière rất đồ sộ; là người có trí thức nông cạn, tôi không dám nói điều gì có tính bao quát về sự nghiệp rộng lớn của ông...".
Chỉ riêng với bài Gia đình và tôn giáo ở xứ An Nam đăng trong tập san BAVH mà Nguyên Ngọc đánh giá là cả "một công trình nghiên cứu công phu, một luận văn xã hội học đầy đặn", ông đã viết: "Thật lạ, sau bao nhiêu năm đọc lại vẫn đầy ấn tượng, vẫn kinh ngạc về những phát hiện tinh tế của tác giả, và đặc biệt vẫn đầy tính thời sự, thậm chí có thể vang lên như một lời cảnh báo ân cần và thống thiết đối với xã hội hôm nay…".
Khó có thể kể hết những đóng góp nhiều mặt của Léopold Cadière, vì như nhà giáo lão thành Thân Trọng Ninh đã dẫn chứng, Léopold Cadière không chỉ là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội mà "mảng nghiên cứu về khoa học tự nhiên của ngài cũng phong phú và quan trọng không kém...Léopold Cadière còn là một nhà thực vật học, nhà sinh thái học, nhà môi trường học, nhà khảo cổ học...".
"...Tôi hiểu người Việt bởi lẽ tôi đã nghiên cứu những gì liên quan đến họ... Tôi yêu mến họ vì trí thông minh nhạy bén trong suy nghĩ... Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần... Sau cùng, tôi yêu mến họ vì họ khổ... Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở đây". Léopold Cadière đã tự bạch như thế.
Cũng chính vì thế, nhiều người đã đồng tình với ý kiến của ông Thân Trọng Ninh và nhà nghiên cứu Nguyễn Ðắc Xuân khi các ông đặt vấn đề: Vì sao Nha Trang, Hà Nội đã có đường phố mang tên Yersin, công viên Yersin, khu tưởng niệm Yersin... "còn đối với Léopold Cadière đến bây giờ vẫn chưa có gì!"
Cuốn sách đã "nối dài" cuộc hội thảo và có lẽ vấn đề chưa dừng ở đây.