I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Trường phái kinh tế học Áo - Lược khảo
Tác giả: Eamonn Butler
Dịch giả: Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính: PGS TS Nguyễn Đức Thành
Số trang: 188 trang
Khổ sách: 13x20,5 cm
Loại sách: bìa mềm
Giá bìa: 55.000 VNĐ
II. GIỚI THIỆU SÁCH
1) Tác giả
Tiến sĩ Eamonn Butler là Giám đốc Viện Adam Smith. Ông có bằng đại học về kinh tế, triết học và tâm lý học ở Đại học St Andrews. Ông làm việc cho Hạ viện Mỹ, và dạy triết học ở Hillsdale College, Michigan, sau đó, cuối những năm 1970 ông trở về Anh để giúp thành lập Viện Adam Smith. Ông đã xuất bản những tác phẩm viết về nhà kinh tế học Milton Friedman, F. A. Hayek và Ludwig von Mises và những cuốn lược khảo về von Mises và Adam Smith cho Viện các Vấn đề Kinh tế (IEA). Ông thường xuyên có mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả báo viết lẫn báo hình và gần đây ông đã cho in hai tác phẩm dành cho đại chúng: Cuốn sách hay nhất về thị trường (The Best Book on the Market) và Nhà nước Anh mục ruỗng và Tuyên ngôn thay thế (The Rotten State of Britain and The Alternative Manifesto), được nhiều người quan tâm.
2) Tác phẩm
Trường phái kinh tế học Áo thoạt nghe có vẻ đơn độc và nhỏ bé. Vì nhiều độc giả đương thời hẳn đang nghĩ tới nước Áo như một quốc gia nhỏ bé xinh đẹp giữa lòng châu Âu, và dường như không có tên tuổi của nhà kinh tế lớn nào hay một đại học kinh tế lớn nào gắn liền với nước Áo lúc này. Thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng mới chỉ một thế kỉ trước đây thôi, nước Áo - với thủ đô Vienna, đang là trung tâm văn hóa-học thuật và quyền lực vĩ đại bậc nhất thế giới, là trái tim của Đế quốc Áo-Hung từng bá chủ châu Âu một thời gian dài.
Và chính tại nơi đây vào đầu thế kỉ XX, tri thức của loài người đã bùng nổ với những phát kiến quan trọng nhất trong triết học, khoa học, nghệ thuật… có ảnh hưởng đến văn minh loài người trong suốt thế kỉ XX và cho tới tận bây giờ. Trong bối cảnh đó, từ truyền thống trí tuệ rực rỡ này đã sản sinh ra những nhà kinh tế học lỗi lạc và độc đáo bậc nhất thời hiện đại: Carl Menger (1840-1921), Böhm-Bawerk (1851-1914), Joseph Schumpeter (1883-1950), Ludwig von Mises (1881-1971), Fredrick von Hayek (1899-1992)… Những trí thức này đã tiến hành phê phán các trường phái kinh tế học đương thời, theo mọi chủ nghĩa, từ tất cả những khía cạnh khác nhau. Từ cuộc chiến tư tưởng đó đã cô đọng lại một hệ thống phương pháp tư duy, nhìn nhận về các vấn đề xã hội và nền kinh tế một cách tổng quát, sâu sắc và độc đáo. Tất cả những đặc điểm đó đã hình thành nên một trường phái kinh tế học đặc biệt, gọi là Trường phái Áo, theo tên gọi của mảnh đất đã nảy mầm và vươn lên những cây cổ thụ. Ảnh hưởng của trường phái này lên lí thuyết kinh tế học và chính sách kinh tế-xã hội là sâu đậm. Với sức sống mạnh mẽ của nó, Trường phái Áo đã lan tỏa và sinh sôi ra khắp thế giới.
3) Mục lục
Lời nhà xuất bản
Lời giới thiệu
Chương 1
Lịch sử và phương pháp tiếp cận của Trường phái kinh tế học Áo
Chương 2
Những nguyên lí nền tảng của Trường phái kinh tế học Áo
Chương 3
Tại sao các nhà kinh tế học không biết họ đang làm gì
Chương 4
Vai trò quan trọng của giá trị
Chương 5
Giá cả, Chi phí và lợi nhuận
Chương 6
Phối hợp thông qua thị trường
Chương 7
Cạnh tranh và tinh thần nghiệp chủ
Chương 8
Thời gian, quá trình sản xuất, vốn và lợi tức
Chương 9
Chu kì kinh doanh
Chương 10
Rắc rối với tiền
Chương 11
Hạn chế của chủ nghĩa toàn trị trong kinh tế
Chương 12
Chủ nghĩa tự do
Chương 13
Phê phán phương pháp tiếp cận của Trường phái Áo
Chương 14
Tư tưởng của Trường phái Áo đương đại
Chương 15
Tính thời sự của Trường phái Áo trong giai đoạn hiện nay
Vài dòng tiểu sử
4) Điểm nhấn
Bằng tài năng và tri thức uyên bác của mình, tác giả Eamonn Butler đã tóm lược một cách cô đọng và sắc bén những nội dung quan trọng nhất của hệ thống tư duy của Trường phái kinh tế học Áo trong một cuốn sách nhỏ nhắn đến ngạc nhiên. Đây chính là sự ưu việt của tác phẩm này. Người đọc có thể lướt nhanh qua hết cuốn sách chỉ trong vài giờ đồng hồ, là đã “thấy” những điểm cốt tủy của Trường phái này. Nhưng bạn sẽ phải quay lại nhiều lần, nghiền ngẫm từng đoạn ngắn để có thể hiểu sâu sắc hơn cách nhìn về thực tại, và sẽ thấy chiều sâu không dễ lĩnh hội của những tư tưởng này. Nhưng nếu chấp nhận mất công cho cuộc vật lộn dài hơn của tư duy, bạn sẽ nhận ra có những cách nhìn mới trong những chiều kích sâu hơn xuyên qua thực tại đang hiển bày của thế giới.
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách -
Đại học kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội)